1000 năm gốm Việt, khi rực rỡ, lúc chìm trôi.
Bài một: Thuở hồng hoang.
Nghề làm gốm là một trong những nghề xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử văn hóa người Việt. Nước Việt Nam, với nguồn nguyên liệu làm gốm phong phú, với những con sông ở khắp muôn nơi trên dải đất hình chữ S, chúng ta đang và đã từng có, những làng gốm không đếm hết trên mười đầu ngón tay.
Làng gốm thường bên cạnh dòng sông, và nghề gốm thì gắn bó mật thiết với văn hóa lúa nước. Người nông dân làm gốm những lúc nông nhàn, và trong số họ, có những người lại chọn gốm như cái nghề cái nghiệp cả đời, những người sẽ rời hẳn ruộng lúa để gắn đời mình với đất sét, với bàn xoay, với ngọn lửa, họ góp một phần tạo nên lịch sử nghề gốm bản địa, họ là người thợ làm gốm, là những nghệ nhân.
Gốm đã có mặt trên đất Việt từ thời Đồ Đá, khi những mẫu vật gốm đất nung đã được tìm thấy ở Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn với niên đại được xác định ở giai đoạn chuyển từ thời Đồ Đá sang Đồ Đồng. Chất liệu của gốm thô sơ, pha lẫn cát và bột vỏ sò, gốm được tạo hình thủ công và trang trí các hoa văn hình học đơn giản. Người làm gốm đã sớm biết làm khuôn để tạo hình cho gốm bằng giỏ đan tre để tạo các dáng cao, miệng rộng. Loại khuôn này cho hiệu ứng vết đan tre khá thú vị trên gốm.
Nếu bạn đã từng ghé qua làng gốm Bàu Trúc ngày nay, bạn sẽ thấy khá thu hút với lối nung gốm kiểu “nướng mọi”, đó cũng chính là cách nung gốm thô sơ nhất từ thời Đồ Đá. Đất sét sau khi tạo hình, phơi khô sẽ được chất đống trên than củi và rơm. Người ta sẽ nướng cho thành gốm. Với cách nung này nhiệt độ tới hạn chỉ là 700 độ c và thành phẩm ở dạng đất nung, vì nó vẫn còn thấm hút nước.
Đến thời Đồ Đồng ở Việt Nam, cách đây 4000 năm, gốm đã dần thoát khỏi danh phận chỉ là cái nồi, cái lu, cái khạp. Người ta bắt đầu làm gốm trang trí và trang sức gốm. Gốm thời kỳ này được phủ thêm lớp đất màu áo bên ngoài để tạo thêm màu sắc cho gốm và hoa văn ảnh hưởng nhiều họa tiết trên đồ đồng cùng thời. Người làm gốm đã biết xây những loại lò dã chiến để nung gốm. Những loại lò này thường được đắp bằng đất sét, để giữ nhiệt tốt cho lò, người ta đào sâu vào sườn đồi để làm lò gốm. Lò gốm dã chiến không tồn tại lâu với thời gian, sẽ sụp lỡ, hư hỏng và đó là lúc cần bắt tay vào việc làm một lò dã chiến mới. Kiểu làm lò này vẫn còn tồn tại ở Mường Chanh, Sơn La cho đến tận ngày nay bởi người dân tộc Thái.
Bước qua thời kỳ đồ sắt, gốm nước ta vẫn ở hình thái đất nung, là gốm nhẹ lửa nhưng đã mở rộng hơn về quy mô sản xuất. Nhiều vùng làm gốm đã định hình và nam giới đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm gốm.
Đến thời kỳ Bắc Thuộc kéo dài hơn 1000 năm, với tham vọng đồng hóa dân thuộc địa của người Trung Hoa, mọi mặt của đời sống đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa và nghề gốm cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, người Việt vẫn không khuất phục và âm thầm giữ lại văn hóa của Việt Nam, mặc bao nổ lực xóa bỏ của ngoại ban. Tiếp thu kỹ thuật từ Trung Hoa nhưng không đồng nhất, người Việt làm gốm theo cách của người Việt, giữ nét khác biệt về đề tài trang trí và tinh thần của gốm. Gốm tráng men đã bắt đầu xuất hiện ở giai đoạn này.
Lò gốm thời kỳ này đã được xây kiên cố, gốm đã nung cao lửa. Gốm cao lửa có phủ men đáp ứng yêu cầu chống thấm nước và bền với nắng mưa nên dòng gốm xây dựng như mái ngói, gạch thông gió đã xuất hiện.
(Còn tiếp bài hai: Khi rực rỡ, gốm thời Lý-Trần)