Cơm nhà mình!
Về nhà ăn cơm!
Bọn trẻ vẫn mãi chơi với mấy trò bịt mắt bắt dê, cá sấu lên bờ, rồng rắn lên mây vui quá chừng vui thì bỗng nghe mẹ gọi: về nhà ăn cơm!!! Mấy đứa cá lì thì được ăn thêm vài trận la rày rồi mới ngoan ngoãn ai về nhà nấy.
Bữa cơm mẹ nấu vẫn quanh đi quẩn lại những món quen thuộc, thế nên mỗi khi có xíu tiền lẻ là lại mơ ước lê la xe cá viên chiên hay xô phá lấu bò cắm que của mấy bà cô bán trước cổng trường.
Bọn trẻ con thật không thể nào đủ sự sâu lắng để phân biệt sự ngon lành giữa bữa cơm mẹ nấu và mấy món ăn vặt đầy quyến rũ ngoài kia. Thời gian trôi, và đứa trẻ ngày nào cũng đã dần đi xa hơn một thành phố, hay một đất nước để thưởng thêm nhiều những món ngon vật lạ.
Đi cho nhiều, gặp cho hay để hiểu rõ hơn lòng mình sâu nông đến chừng nào, hay tự dưng một ngày bỗng thấy lòng mình khô cạn vì thiếu vắng đã lâu tiếng gọi: về nhà ăn cơm!
Nhà, một chữ thôi mà thân thương lắm, nơi có bữa cơm được nấu thơm lành, nơi có những người đợi ta về để được ngồi cạnh bên, để ta thấy lòng ta vẫn còn ấm, còn yên. Cơm nhà mình, có giọt mồ hôi của mẹ đi chợ sớm, có những nguyên liệu được mẹ chọn kỹ càng để sao cho ngon lành, cho bổ dưỡng, và mẹ vẫn luôn chọn gạo chẳng cần phải trắng tinh.
Bạn đã từng thấy màu của loại gạo chưa chà kỹ? hạt gạo được giữ lại cám để còn nguyên dinh dưỡng vốn có, và cần phải trồng sạch để không cần phải tẩy trắng làm mất đi lớp cám. Đời sống công nghiệp hiện đại với những chuẩn mực trắng sáng có khi được đẩy lên mức cực đoan, gạo trắng, đường trắng, trái cây bóng mượt không tì vết. Càng đặt ra nhiều tiêu chuẩn, ta lại càng xa rời điều sẵn có của tự nhiên.
Bộ gốm “Cơm nhà mình” với màu men gần như màu gạo còn nguyên cám, Yên Lam không chỉ làm gốm thủ công, mà mong muốn xa hơn là truyền đến bạn những thông điệp từ thiên nhiên:
Cơm nhà mình, từ hạt gạo chẳng bao giờ muốn trắng tinh!