Ghé thăm Đông Hồ không để tìm tranh
Đến làng tranh nổi danh một thời vào một ngày giữa thu, Đông Hồ cũng đã chung số phận với nhiều làng nghề khác ở Việt Nam, khi gọi là làng mà thật vắng bóng lũy tre, cánh đồng, con trâu đàn lợn như trong những bức tranh in mộc bản đã ghi tên Đông Hồ trong lòng nhiều người yêu nghề thủ công Việt Nam. Đồ hàng mã được sản xuất nhộn nhịp ở nơi đây với đủ sắc màu rực rỡ, và cũng thật xa lạ với bộ màu tự nhiên mà quá khứ không xa, người ta đã từng làm vô kể những tấm tranh giấy dó phủ bột điệp, những tấm tranh đã từng góp mặt trong không ít nếp nhà người Việt.
Quay ngược thời gian để nhớ lại những mùa Trung Thu ở làng quê này, có một chất liệu khá đặc biệt cũng từ giấy dó mà ngày nay còn khá ít người nhớ đến, vì chỉ xuất hiện mỗi dịp phá cỗ trăng rằm. Giấy dó được kết khối cùng đất thó, để tạo nên một chất liệu tuyệt vời cho việc tạo hình những chú phỗng, con giống ngộ nghĩnh mà người dân làng nghề bày trong mâm cỗ Tết Trung Thu. Những con giống khi đó được phết màu cánh sen, màu vàng, màu xanh vui mắt để tạo sự yêu thích cho thiếu niên nhi đồng.
Là người đã rờ vô đủ loại đất sét, mình chưa bao giờ cảm thấy sung sướng đến vậy khi tạo hình với loại đất sét trộn giấy thật khác lạ này, đất dường như biết cảm nhận, biết thấu hiểu đôi bàn tay của người tạo tác. Trong hình là những chú thỏ ngộ nghĩnh được tạo hình bởi bác Giáp, một nghệ nhân đã lớn tuổi trong làng, nhà bác đã chuyển sang làm đồ vàng mã, nhưng bác vẫn làm thêm những món đồ chơi từ loại đất đặc biệt này mỗi khi nhàn rỗi. Còn em tê giác và gương mặt của cô bông hậu rừng Nam Cát Tiên, là thành quả sau một ngày nghịch đất của mình.