“Chén dĩa gì mà không có trắng bóng gì cả!”
“Chén dĩa gì mà không có trắng bóng gì cả!”
“Sao không có màu sắc rực rỡ hả em ơi, mấy màu này buồn quá à”
“Chị thích có viền chỉ ánh kim, nhìn vậy sang hơn em à”
Khi chọn một con đường để đi, để có được nhiều niềm vui trên hành trình, thì quyết định ấy cần phải được sự đồng thuận từ trái tim, chứ không chỉ là lý trí.
Bộ gốm “Cơm nhà mình” có màu của ngày xưa cũ, đó là từ góc nhìn của mình, của những người làm việc ở Yên Lam. Ở những góc nhìn khác, có thể sẽ là màu cháo lòng, cái màu để mô tả mấy món không được trắng sáng.
Người ta có nhiều cách để nói về một sự vật, ngôn từ được sinh ra với nhiều sắc thái khác nhau để khi chỉ cần dùng chúng thì thái độ của chúng ta cũng đã dọn sẵn cho đối phương.
Ở thời đại mà mọi thông điệp được truyền đi chỉ chưa đến một giây, việc mỗi chúng ta nhận được thêm rất nhiều thái độ trong một ngày là điều tất yếu, tích cực và tiêu cực cũng vì thế mà tăng theo. Người ta căng thẳng vì lời nói, mệt mỏi vì nhận thái độ xấu, những tác động từ bên ngoài ấy góp phần cho chúng ta sẽ rời khỏi con đường, nơi mà lối vào ta đã chọn bởi trái tim, khi lý trí chưa phải nhận nhiều cơn rung lắc.
Con đường Yên Lam đi, đến nay là năm thứ mười một, cũng có đôi lần rẽ hướng, lạc lối và trở lại. Có lúc thấy sao kỳ lạ khi con đường hôm nay đi giống với con đường những ngày đầu tiên, chỉ là đổi khác ở cách đi trên con đường ấy, vậy đổi khác ấy là ra làm sao?
Đơn giản lắm, vẫn đón nhận mọi thông điệp và thái độ như lẽ hiển nhiên phải có, lưu lại phần thông điệp để suy nghĩ được đa chiều hơn, còn thái độ thì xem như gặp bầu trời nắng đẹp, hay trúng cơn mưa rào, có rồi sẽ qua, chứ không nên đọng lại lâu trong tâm trí. Dù là sự yêu thích hay là không có ưa, mình cứ sống lâu trong đó cũng dễ sinh ra mộng tưởng, rồi lạc trôi khỏi những điều mình thật sự mong muốn, thật sự say mê lúc nào chẳng thể hay.