Làm gốm xoay tay, xoay hình cảm xúc
Gốm xoay tay, hay còn gọi là vuốt tay, nặn tay là cách làm gốm từ thời sơ khai, khi chưa có sự hỗ trợ của khuôn in tạo hình hay máy móc hiện đại, chỉ đơn giản là tạo hình gồm nhờ chiếc bàn xoay và đôi bàn tay người thợ gốm.
Ngày nay, khi mọi thứ đều chuyển mình theo hướng công nghiệp hóa, những lối sản xuất thủ công ngày một ít đi, con người phải chạy theo số lượng, sản lượng. Thế nhưng, có những điều hay và đẹp không máy móc nào có thể thay được, những giá trị ấy được tạo nên từ cảm xúc, từ tâm tư tình cảm của người thợ gốm trong từng tác phẩm lúc thành hình.
Từ một mẩu đất sét chẳng ra hình, đôi bàn tay thạo nghề đã tạo ra nào là bình hoa, nào ấm trà, nào cái tô, cái bát, cái đĩa vô cùng thân thuộc với đời sống hằng ngày. Không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng, giá trị thẩm mỹ được đưa vào từng tác phẩm, khi thì khắc chìm, khi thì đắp nổi, lúc chim muông hoa lá, lúc lại những hoa văn lập thể.
Người thợ gốm thích làm gốm xoay tay, Yên Lam gọi đó là những nghệ nhân, không cần giấy chứng nhận từ một tổ chức nào, họ đến với nghề với tình yêu rất rõ rất trong cho gốm, và chỉ có tình yêu mới giúp họ tạo ra những tác phẩm đầy mới mẻ và để đời.
Cá tính của người nghệ nhân gốm thể hiện rất rõ trong tác phẩm của họ, một cô gái với tâm hồn lãng mạn, yêu thiên nhiên cây cỏ hay thả vào gốm của mình những đường dây leo mềm mại, những cánh hoa khoe sắc, hay đôi chim đang bay lượn, những chiếc lọ tai bèo với đường cong hoàn hảo. Một anh chàng đã bén nghề được chục năm hay tạo cho mình những khối lập phương với những đường nét dứt khoát, dày dặn. Và cứ như vậy, cứ mỗi tâm hồn lại mang cho gốm những tiếng nói riêng.
Tạo hình là cả một quá trình sáng tác với bao tâm tư, cảm xúc của người nghệ nhân gốm, khi đưa đứa con bằng đất sét của mình đến giai đoạn cuối cùng, để nó chuyển mình thành gốm, thành sành mà thách thức với thời gian thì đây cũng là lúc người nghệ nhân không khỏi khắc khoải và lo lắng. Khi cánh cửa lò đóng lại, mọi chuyện đành phó mặc cho lửa, và có cầu cạnh nhiều với anh thợ chỉnh lò, vì một sai sót nhỏ sẽ có kết quả khôn lường.
Khi cánh cửa lò được mở cũng là lúc bao mong đợi, bao lo âu cứ vỡ òa, niềm vui trào dâng khi nhìn những đứa con đã óng ánh, căng đầy lớp men, nguyên hình nguyên dạng. Và cũng la bao hụt hẫng, nuối tiếc khi chẳng may bà hỏa đã xé toạt vài chỗ, vài hạt mụi than vô tình rơi vào lớp áo men điểm thêm những chiếc nốt ruồi thật vô duyên.
Trong xã hội ngày nay với bao lo âu bận rộn, với những vòng quay của cuộc mưu sinh, vẫn còn đó những con người chọn cách bình dị mà yêu, mà sống. Họ đi tìm niềm vui, tìm cảm giác bình yên trong từng khối đất, trên những chiếc bàn xoay. Họ là lớp nghệ nhân trẻ vẫn tiếp nối những giá trị truyền thống, góp thêm ngọn gió mới những ý tưởng đương đại, cho gốm thành hình với đủ đầy những xúc cảm như cách mà nó được tạo ra.