Lotus & White Stone Beauty
Nếu như miền Bắc Việt Nam vẫn thường vẽ họa tiết bằng màu cobalt lên gốm để có những hoa văn mềm mại, nhẹ nhàng thì lối làm gốm của người dân Nam Bộ lại khác biệt ở cách gốm sẽ được khắc chìm hoa văn, chạm lộng và chấm men trang trí. Cách làm này cần sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ để những đường khắc được cân đối, hài hòa. Người thợ khắc gốm, người thợ chạm lộng hay người chấm men có thể không vẽ tốt, nhưng nhất định cần phải có sự chu đáo, tận tâm trong công đoạn của mình, để góp thành một sản phẩm hoàn thiện, mỹ mãn sau cùng.
Chạm lộng trên gốm:
* Trước khi chạm lộng, gốm sẽ được in nét mờ của hoa văn, người thợ sẽ chạm lộng (trổ cho thủng) theo họa tiết in sẵn. Với cách làm này hoa văn sẽ phụ thuộc vào những tấm triện để tạo họa tiết và việc làm gốm sẽ được phân chia thành từng khâu, thợ gốm của khâu nào chỉ cần thuần thục công việc của khâu đó. Một cách chạm lộng khác có thêm sự sáng tạo, ngẫu hứng là người chạm lộng gốm sẽ phụ trách luôn khâu vẽ hoa văn tự do lên gốm rồi bắt đầu chạm lộng.
* Chạm lộng, hay bất cứ khâu nào của việc làm gốm, người thợ cũng cần phải cảm nhận về đất, đất với những độ ẩm khác nhau, sẽ ảnh hưởng đến thành quả sau cùng. Cảm nhận, đến từ thời gian, từ khổ luyện, từ tâm tĩnh lặng để lắng nghe, để nhìn thấy.
Chấm men: với những món có nhiều màu sắc trên sản phẩm, họa tiết trang trí phủ kín bề mặt thì cách nhúng men, dội men không thể áp dụng, thay vào đó, người thợ phải dùng cọ để đưa từng dòng men vào đúng vị trí của họa tiết. Có loay hoay với hơn chục loại men màu khác nhau nhiều ngày, người thợ mới dần hiểu thấu tính chất của từng loại men màu để men sau khi qua lửa đạt được sắc màu như mong muốn.