Chuyện nghề Gốm #1: Nắn tay, tạo trạch và be trạch thưở sơ khai của nghề gốm!
Nếu bạn để thời gian nhìn ngắm một tạo hình gốm, bạn sẽ có thể nhận ra, mỗi hình dáng là tập hợp của nhiều vòng đất sét đặt lên nhau, thành chiếc lu hay thành chiếc phễu cũng là do sự thay đổi dần hình dạng của những vòng này.
Khi con người chưa phát minh ra một phương tiện nào để làm gốm, khi ấy chúng ta tương tác với đất sét theo một cách bản năng, với những cảm nhận nguyên sơ, mộc mạc và hồn nhiên. Từ những cái chạm, cái nhận biết ban đầu ấy, phương pháp nắn tay be trạch đã ra đời, từ đời nào thì không thể xác định.
Thuận theo tự nhiên, gặp cái gì mềm dẻo thì để chuyển đổi hình dạng ta lại nắn, vuốt, miết, kéo. Từ cái hình dạng cần làm ra ta lại suy nghĩ sẽ xoay sở ra sao với cục đất chưa định dáng ở trước mặt. Từ những nhu cầu căn bản nhất của con người để đựng, để chứa mà những tạo dáng hình tròn hẳn là dáng đầu tiên con người nghĩ ra trong sự nghiệp thiết kế tạo dáng muôn vật dụng của nhân loại. Cứ như vậy, từng thao tác được đúc kết sau n lần chạm với đất để có được phương pháp nắn vuốt sao cho từ cục đất chuyển thành nhiều hình dáng khác nhau: tròn, ovan.
Nếu bạn để thời gian nhìn ngắm một tạo hình gốm, bạn sẽ có thể nhận ra, mỗi hình dáng là tập hợp của nhiều vòng đất sét đặt lên nhau, thành chiếc lu hay thành chiếc phễu cũng là do sự thay đổi dần hình dạng của những vòng này. Khi nắn miết đã thuần thục, thì giới hạn về chiều cao của phương pháp này đã thành thách thức và mở ra cơ hội cho một phương pháp tiếp theo ra đời: tạo trạch và be trạch.
Bạn hình dung dù người làm gốm có luyện tay nghề đến đâu, có xử lý được một lần cục đất to ra sao thì luôn có một giới hạn tạo nên do sức người và độ ẩm của đất sét. Đất khô thì dễ xây được cao nhưng khô quá thì không thể tạo hình, đất vừa độ ẩm để làm thì con người với vóc dáng có giới hạn nên cục đất chúng ta có thể mang vác và nắn cũng đi theo giới hạn ấy. Khi đã xử lý hết tảng đất mà chiều cao vẫn chưa đáp ứng, người xưa thiệt là xưa đã nghĩ ra cách se đất thành dải dài, rồi đắp lên tiếp nối.
Mỗi dải dài như vậy giống như những con trạch, người Nam Bộ gọi là con lươn. Be là động tác sử dụng tay cố định đất để khi thả trạch vô đất được giữ và miết cho chắc chắn như người ta be bờ đắp ruộng. Mỗi con trạch sau khi thả vô cần xử lý cho nuột nà, không tèm lem và góp phân đoạn trong tạo hình của đối tượng đất sét, cứ vậy mà trạch cứ được thả thêm, thả thêm, đến khi nào vừa lòng hả dạ thì thôi.
Nắn tay be trạch là phương pháp làm gốm rất xưa, rất chậm và đáp ứng được muôn vàn kiểu dáng tạo hình. Cứ từng chút một, từng chút một, làm gốm không thể vội mà nhưng một phương pháp để chúng mình đặt để và duy trì sự chú tâm, sự kiên nhẫn, sự sáng tạo trong sự hiện diện có mình, có đất và có nghề.
Việt Hải
Yên Lam