Theo dấu lò củi ở Thủ Dầu!
Những lò gốm cũ vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp của thời trước. Đứng trong khung cảnh ấy, mình đã hình dung đến nơi đây từng nhộn nhịp ra sao, và cách người xưa đã kiến tạo nên từng không gian, từng phương tiện cho nghề gốm.
Với thói quen tìm hẻm mà đi, tìm dốc mà chạy, như bao lần đi tìm hiểu một vùng đất, mình cứ thế chạy vào con đường nhỏ, nấp sau khu kho bãi người ta đang chất đầy đủ thể loại chậu to, chậu nhỏ.
Nắng chiều tô đậm những mảng tường gạch, lấm lem đất sét đỏ, khoảng vỉa hè được lấp đầy những dãy khuôn làm gốm thu hút ngay sự chú ý của mình, vốn là kẻ luôn dễ bị thu hút với đất, với màu thời gian.
“Chị ơi, cho em chụp vài tấm hình được không? Xưởng chị nhìn thật có cảm tình!” Chị gái đội nón lá, da thì trắng mà phơi nắng thì mỗi ngày. Mình suy luận vậy vì chị làm chính ở đây, rót khuôn, lấy đất ra khuôn.
Mình không quên xin thêm info của chị: Chị làm cùng Chị gái, xưởng truyền từ đời ông nội Chị, gốm rót khuôn cần phơi nắng vậy để mau lấy được đất ra khỏi khuôn.
Phía sau xưởng là nơi chiếc lò củi đang đỏ lửa, điều hiếm có ở vùng này ngày nay, khi những chiếc khác đã nguội lạnh từ lâu. Hỏi thêm mới rõ, là đốt vậy nhưng chỉ để sấy nhẹ trong vài giờ rồi tắt, vì vùng này người ta không cho chụm củi nữa. Chiếc lò là tài sản quan trọng trong mỗi gia đình làm gốm, to lớn vững trãi là vậy, giờ chỉ có thể dùng tạm để sấy thấp độ.
Để nung hoàn tất một mẻ gốm với lò củi cần vài ngày vài đêm, tiêu thụ một lượng củi lớn và cũng thải khói đốt ra môi trường. Khi một đô thị phát triển không có sẵn định hướng chừa chỗ cho làng nghề truyền thống, thì ngày hôm nay là kết quả, việc di chuyển lò củi là bất khả thi, trừ khi có ông Thần Đèn xuất hiện.
Những lò gốm cũ vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp của thời trước. Đứng trong khung cảnh ấy, mình đã hình dung đến nơi đây từng nhộn nhịp ra sao, và cách người xưa đã kiến tạo nên từng không gian, từng phương tiện cho nghề gốm.
Nhìn nắng chiều rọi qua những gian xưởng được dựng bằng cột gạch, lợp ngói gốm đã nhiều đoạn rơi rụng, nét hoang tàn vắng lặng chiều nay mấy chốc nữa thôi rồi sẽ đi vào đêm đen tĩnh mịch…
Chị gái nói: giờ chị làm hàng mộc ( từ chỉ đất sét đã tạo hình), sấy nhẹ lửa trong lò rồi giao cho người ta về sơn, vẽ lên đặng trưng bông giả. Hồi đó chị làm đồ bự, đồ men nung củi mà người ta cấm lò nên giờ chị chuyển sang đồ này.
Nhìn từng thao tác cắt đất cho gọn miệng, miết vòng quanh một cái là đã xong chiếc lu đất nhỏ. Chị không nói thêm nhiều mình cũng cảm nhận được Chị đã bao lâu với nghề, và đất sét, củi lò, khuôn thạch cao hẳn đã thân quen tựa như hơi thở.
Chào Chị mình đi, lại lượn quanh cho hết những con dốc, cho qua từng ngõ hẻm. Mái ngói, tường gạch, màu trắng đục của thạch cao, màu đỏ lấm lem của đất, màu áo bông của các bà, các chị, màu da trần sẫm nắng của các ông, các anh, màu của khung cảnh bên đường, và màu của một miền ký ức, con người đã từng vẽ nên màu sắc này, và cũng chính con người rồi sẽ bôi xoá…
Làng gốm ở vùng Sông Bé xưa được tập trung tại ba khu vực: Lái Thiêu, Thủ Dầu Một và Tân Phước Khánh. Với tốc độ đô thị hoá như ngày nay, để làm gốm với quy mô lớn thì các nhà xưởng cần phải chuyển đi xa, và những chiếc lò củi sừng sững một thời đã dần tắt lửa, ở lại đó trong ký ức, hay đứng chơi vơi giữa thành thị đang phồn thịnh mỗi ngày.
Người trong nghề gốm nơi này, ai rồi sẽ tiếp tục gắn với đất, ở trong nghề và vẽ nên những màu sắc mới?